Cũng theo ông Tấn, sắp tới, công ty có ý định mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh, nhưng trước biến động về giá điện, phía doanh nghiệp đang xem xét lại vấn đề. "Để tìm giải pháp giảm thiểu chi phí cho giá điện không đơn giản bởi cho công nhân làm vào giờ cao điểm thì chi phí vẫn cao, làm vào giờ thấp điểm thì không đủ tiền trả nhân công", ông lo lắng.
Ông Tấn cho hay, khi giá đầu vào như điện, xăng tăng thì giá thành sản phẩm bán cho người tiêu dùng buộc phải biến động theo. "Chúng tôi dự kiến giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 10%. Với mức tăng này, nếu không được người dân chấp nhận, doanh nghiệp sẽ rất khó sống", ông Tấn lo lắng.
Cùng chung nỗi lo với ông Tấn, bà Nguyễn Minh Châu, trợ lý giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Yngshin (tại cụm công nghiệp Thanh Oai - Hà Nội) cho hay bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp của bà phải trả trên chục triệu đồng tiền điện. Để giảm thiểu tối đa chi phí, công ty bà sẽ xem xét để huy động nhân công tập trung sản xuất vào giờ có mức tăng giá điện thấp nhất. Cũng theo bà Châu, giá thành sản phẩm bán ra chắc chắn sẽ tăng, tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu sẽ được công ty nghiên cứu tính toán cụ thể.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Phạm Chí Cường, giá điện tăng ảnh hưởng trực tiếp tới công việc kinh doanh của nhiều công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất phôi thép vì giá điện chiếm tới 10% giá thành. Trước áp lực tăng giá điện, ông Cường cho hay, một số đơn vị dự kiến tăng giá bán thêm 5-10% so với mức áp dụng trước đây, tương ứng với 100.000-200.000 đồng mỗi tấn thép.
Ông Cường cho rằng, để đối phó với việc tăng giá điện, nhiều doanh nghiệp đã phải tính tới tiết giảm tiêu hao năng lượng thông qua việc đổi mới công nghệ. Để sản xuất 1 tấn phôi thép cần tới 600 kWh điện, nếu dùng máy móc công nghệ mới chỉ cần 400-500 kWh điện. "Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đổi mới công nghệ", ông Cường chia sẻ.
Tại khu vực phía Nam, nhiều doanh nghiệp cho biết, áp lực tăng chi phí đầu vào không nặng nề bằng áp lực tăng lương cho người lao động.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH SX TM DV may mặc Đạt Minh Thịnh, Nguyễn Văn Dậu cho biết mức tiêu dùng điện hàng tháng chiếm khoảng 5% trong tổng chi phí.
Từ tháng 3, khi giá điện nước đều tăng, công ty sẽ phải tốn cho thêm 2-3 triệu đồng một tháng chi phí điện. Theo ông Dậu, nếu sau khi đo lường tổng chi phí phát sinh so với doanh thu mang về tăng không đáng kể, đơn vị vẫn giữ nguyên giá bán hàng ra thị trường. Tuy nhiên, "trường hợp chi phí để sản xuất sản phẩm lên cao, đe dọa đến lợi nhuận tối thiểu đạt được, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá bán", ông Dậu cho biết.
Mặt khác, Chủ tịch Hội đồng thành viên Đạt Minh Thịnh nhìn nhận áp lực tăng chi phí đầu vào không nặng nề bằng áp lực tăng lương cho người lao động. Bởi một khi điện nước, xăng dầu điều chỉnh tăng, đồng lương thực nhận của họ đã bị thu nhỏ lại. Ông Dậu phân tích: "Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng, người lao động sẽ bị phân tâm, không còn toàn tâm toàn ý làm việc, ảnh hưởng đến tiến độ công việc".
Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Bibica Phạm Văn Thiện cũng cho biết chi phí đầu vào (xăng dầu, cước vận chuyển, phân phối...) hiện đã tăng khoảng 10% so với trước. Trước mắt, Bibica có kế hoạch tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động, sản xuất tối ưu nhất để dây chuyền hoạt động hết công suất... bù cho khoản tăng của chi phí đầu vào. Song, ông Thiện cũng cho rằng: "Với việc thay đổi giá nhiều mặt hàng, khả năng giữ giá như hiện nay là điều khó, sớm muộn cũng sẽ có sự điều chỉnh".
Một cách tiết giảm chi phí khác, theo ông Thiện là giữ chân lực lượng lao động nòng cốt, có tay nghề và có thể sẽ tăng lương trong thời gian tới. Bởi nếu tuyển người mới, cũng phải đáp ứng mức lương đủ sống cho họ như những lao động đang làm việc. Tuy nhiên, hiệu suất làm việc của nhân viên mới sẽ không đạt mức cao như những người lành nghề.
Theo Bộ Công Thương, với mức tăng giá điện như tính toán, các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.630 tỷ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2010. Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao (chiếm 30-40% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân… giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 2,83% - 3,15%; các ngành cán thép, xi măng giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,20% - 0,69%. Chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành.